Ý nghĩa của bánh ú nước tro trong ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt
Cập nhật: 03-06-2022 08:49:26 | Tin tức sự kiện | Lượt xem: 9534
Tết Đoan ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương được diễn ra vào mùng 5 tháng 5 hàng năm. Đây là ngày Tết truyền thống của Việt Nam và một số nước trong Đông Nam Á
Vài nét về Tết Đoan Ngọ
Dân gian gọi ngày Tết này là Tết diệt sâu bọ. Truyền thuyết của ngày Tết này có nhiều dị bản. Một trong những câu chuyện được người dân truyền miệng lại là ở một ngôi làng nọ, nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất trái cây, thực phẩm đã thu hoạch. Lúc đó dân làng không biết làm cách nào để giải được nạn sâu bọ thì bỗng nhiên có một ông lão từ xa tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm bánh gio, trái cây. Ngay lập tức, nhân dân làm theo, một lúc sau, sâu bọ đều bay đi. Để tưởng nhớ sự việc trên, hàng năm, người dân bày biện mâm cúng gồm hoa, quả, bánh ú, rượu nếp vào giờ ngọ ( tức là 12 giờ trưa). Tết Đoan ngọ từ đó mà hình thành và đi vào nếp sống của người dân từ bao đời.
Bánh ú trong ngày Tết Đoan ngọ
Mỗi dịp Tết Đoan ngọ, bánh ú nước tro luôn hiện hữu trên mâm cúng, ở gian bếp của mỗi gia đình người Việt. Chiếc bánh có dáng hình tam giác đứng xuất hiện bình dị như một lời nhắc về tục lệ, về nếp sống đẹp của người Việt Nam và quan niệm về tuần hoàn thời tiết trong năm. Thấy bánh ú nước tro là thấy Tết Đoan Ngọ - “Tháng tư đong đậu nấu chè - Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng năm như ông cha ta đã nói.
Bánh ú là tên gọi của loại bánh dân gian có hình dạng kim tử tháp được kết hợp giữa nhân đậu xanh, nếp và gói bằng lá tre. Bánh ú có hình tam giác, lý giải theo học thuyết âm dương ngũ hành thì hình tam giác là dương Hỏa bên ngoài bao bọc để tương sinh với âm Thổ của bánh bọc bên trong. Màu sắc của bánh cũng tượng trưng cho màu của đất và ngày trước bánh không có nhân bởi khi quay về với đất thì vạn vật trở nên thuần khiết. Quay trở về đất nhưng âm dương tương sinh để rồi lại sinh sôi, phát triển và lý lẽ đó chính là quy luật của tạo hóa. Bánh ú và rượu nếp là hai món không thể thiếu vì hai vật phẩm ấy là đại diện của nền văn minh lúa nước và rượu luôn là lễ vật thuần khiết thiêng liêng dâng lên tổ tiên.
Bên cạnh đó, người dân còn quan niệm rằng ăn bánh ú nước tro vào Tết Đoan ngọ sẽ giúp cơ thể hạ nhiệt, điều hòa và ổn định sức khỏe. Tháng năm thời tiết nóng, oi bức và dễ sinh dịch bệnh. Bánh tro có tính mát, dễ tiêu, thích hợp cho người già và trẻ nhỏ nên người dân quan niệm rằng: ăn bánh tro có thể trung hòa bớt sự độc hại và bảo vệ sức khỏe.
“Bánh tro còn có công dụng tư âm và dưỡng âm. Đây vốn là tôn chỉ của trường phái dưỡng sinh trong Đông y, như câu nói “dương thường hữu dư, âm thường bất túc". Do đó, thói quen ăn bánh tro ngày Tết Đoan Ngọ không chỉ là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống mà nó còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe”, theo VOH.
Có rất nhiều câu chuyện lý giải về sự tích Tết Đoan Ngọ, cũng có nhiều tài liệu lý giải về việc tại sao bánh tro được sử dụng trong ngày Tết. Nhưng dù là bắt nguồn từ đâu đi chăng nữa thì ngày Tết Đoan ngọ vẫn là ngày Tết đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và được người dâu lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Bài và ảnh: Bộ phận Truyền thông Tân Huê Viên